Tết Đoan Ngọ – Diệt sâu bọ

Tết Đoan ngọ hay Tết Đoan dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày tết truyền thống của Việt Nam cũng như một số nước Châu Á như: Triều Tiên, Trung Quốc. Tết Đoan ngọ là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam được lưu truyền từ rất lâu đời, có ảnh hưởng lớn tới đời sống, phong tục tập quán của dân tộc. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa và ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào giữa trưa. Đoan Ngọ là ngày trùng với ngày hạ chí của năm. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Thời gian này cũng là khi khí dương đang thịnh nhất trong năm. Ở Việt Nam, dân gian còn gọi là Tết diệt sâu bọ.

Trước ngày tết người ta thường chuẩn bị rất nhiều loại trái cây để cúng và để ăn. Hầu hết mọi gia đình đều mua hoặc làm rượu nếp, bánh tro để ăn trong ngày này.

Vào sáng sớm, khi vừa ngủ dậy, mọi người ăn bánh tro, rượu nếp và trài cây trước tiên để diệt sâu bọ phá hại mùa màng và bệnh tật trong người.

Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để con cháu đoàn tụ bên mâm cơm gia đình. Vào dịp này mỗi gia đình sửa soạn một mâm cơm cúng trời phật, tổ tiên cầu mong cho một tiết mới, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt.

Nhiều người tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ “sâu bọ”. Nhiều địa phương ở ven biển đúng giờ ngọ họ đi tắm biển. Vì ngày này, theo quan niệm dân gian khí dương mạnh nhất trong năm, người ta cúng lễ để cầu an. Cũng theo quan niệm đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thày thuốc thường lên núi hái thuốc.

Vào dịp Tết Đoan Ngọ, ai bị cảm cúm nên dùng 5 loại lá: bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, dâu tằm ăn, và sả nấu nước xông để bớt bệnh. Người ta cũng tìm mua cành xương rồng bỏ trong nhà để đuổi tà ma.

Ở miền Bắc, ngày này các gia đình thường làm các món từ vịt, đặc biệt là tiết canh vịt. Còn ở miền nam thì bánh tro lại trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày này.

 
Đặt phòng khách sạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *