Tại huyện đảo Cát Hải có nhiều lễ hội độc đáo, mang bản sắc riêng của mỗi địa phương như lễ hội đền Mẫu Bà – Hiền Hào, lễ hội đua thuyền rồng 21 tháng giêng tại thị trấn cát Hải, hội làng xã Trân Châu, Xuân Đám, Phù Long, hay lễ hội 31/3 ngày Bác Hồ về thăm làng cá. Trong hành trình khám phá các lễ hội dân gian tại Cát Hải, không thể không nhắc đến lễ hội Xa Mã ở xã Hoàng Châu. Một lễ hội độc đáo, mang bản sắc riêng mà ít nơi nào có được.
Lễ hội được tổ chức từ mùng 10 tháng 6 âm lịch và kéo dài trong 3 ngày. Qua các thần phả, sắc phong và các văn bia hiện còn lưu giữ tại đình làng Hoàng Châu, lễ hội rước kiệu và chạy Xa mã độc đáo của làng Hoàng Châu được tổ chức vào mùa gió nam, mưa lũ nhiều, nhằm tưởng nhớ đến Thành hoàng và các bậc tiền hiền của làng.
Năm nay lễ hội là hoạt động có ý nghĩa hưởng ứng Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng Hải Phòng năm 2013, và cũng là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong lộ trình đề nghị công nhận khu di tích đình chùa Hoàng Châu là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Cứ vào dịp lễ hội, người làng Hoàng Châu cùng nhau xum họp, thành kính dâng hương, tế lễ trước ban thờ các vị thành hoàng cầu mong điều may mắn, an bình trong cuộc sống và tỏ lòng biết ơn công đức tổ tiên. Mặc dù tổ chức vào dịp giữa tuần, song lễ hội năm nay cũng thu hút khá đông nhân dân và du khách về tham dự.
Trọng tâm của lễ hội là nghi lễ Xa mã hay còn gọi là nghi lễ kéo ngựa gỗ tái hiện lại cảnh rèn luyện, tập trận của binh sĩ thời xưa. Cuộc thi có hai đội tham gia là giáp Đông và giáp Tây. Các thành viên của hai đội mặc trang phục quần ống chẽn, đầu chít khăn kiểu đầu rìu màu xanh hoặc đỏ để phân biệt với nhau. Xe mã mang dáng dấp một đôi ngựa chiến có đầy đủ dây cương, yếm hoa. Người chỉ huy tay cầm cờ nhỏ có màu sắc để phân biệt với bên đối phương, mỗi đội có quân số từ 12 đến 15 người tham gia với trang phục đội ngũ chỉnh tề theo đúng quy định của hội làng.
Khi có hiệu lệnh phát ra từ vị chủ quản, hai ngựa gỗ dưới sự điều khiển khéo léo, nhịp nhàng của người chỉ huy chuyển động lúc nhanh lúc chậm, lượn vòng rất điệu nghệ. Cả người xem và người chơi có cảm giác rất hưng phấn, như được tham gia một buổi tập trận thực sự. Người chơi thì chơi hết mình, còn người xem thì cổ vũ nhiệt tình. Tiếng hò reo vang lên khắp nơi.Tiếng chiêng, tiếng trống liên hồi sục sôi dồn dập.
Không chỉ nghi lễ Xa mã, nghi lễ rước kiệu bay độc đáo cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và du khách. Những chiếc kiệu ngai linh thiêng, do những nam thanh nữ tú khiêng, chạy như bay trên sân đình, được rước đi khắp làng để cầu cho dân làng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Do đặc điểm cuộc sống gắn bó với biển, mảnh đất Hoàng Châu gắn với đời sống tâm linh và những phong tục độc đáo. Dân làng cho rằng, cứ vào dịp hội làng là những vị thần có công khai sinh lập làng, đi quanh làng để thăm thú, xem sự phát triển đổi mới của quê hương, phù hộ độ trì cho dân làng được no ấm bình an, mùa màng bội thu.
Ngoài hai hoạt động trọng tâm trên, để thu hút du khách và nhân dân về tham dự, hội làng năm nay còn có thêm nhiều hoạt động văng hoá văn nghệ, thể dục thể thao tạo không khí vui tươi phấn khởi như: giao lưu văn nghệ, thi đầu giao hữu bóng chuyền, chọi gà, thi đan lưới, thi bắt vịt vv… Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo, cũng là những yếu tố tạo ra thành công cho lễ hội Xa Mã Hoàng Châu năm 2013.
Lễ hội Xa Mã kết thúc, nhân dân Hoàng Châu lại trở về với công việc chài lưới đánh cá hàng ngày, với một niềm tin mới, hy vọng mới. Du khách muôn phương thêm một lần nữa được trải nghiệm, được tìm về với nét văn hoá xưa, hoà cùng những trò chơi gian dân tại tại lễ hội truyền thống Hoàng Châu, nơi lưu giữ những giá trị văn hoá độc đáo của dân tộc, để rồi hẹn nhau cùng về mùa lễ hội năm sau.