Vào những ngày đầu tháng 3, khi không khí tết Hàn thực đến gần, công việc chuẩn bị đồ làm bánh trôi, bánh chay cúng gia tiên càng trở nên tất bật. Đĩa bánh trắng tròn được điểm xuyết những hạt vừng vàng ruộm kế bên bát bánh chay ngào ngạt hương bưởi mát lành.
Nguồn gốc Tết Hàn thực
Phong tục đón tết Hàn thực được bắt nguồn từ văn hóa nước láng giềng Trung Hoa với câu chuyện khá ly kỳ về vị vua nước Tấn thời Xuân Thu (770 – 221).
Chuyện kể về vua Tấn Văn Vương suốt 19 năm lưu vong luôn được hiền sĩ Giới Tử Thôi theo phò. Thậm chí trong một lần gặp nạn hết lương, Giới Tử Thôi đã cắt thịt ở chân mình nấu dâng vua dùng bữa. Vô cùng cảm kích và trọng dụng Tử Thôi, nhưng đến khi dành lại được ngai vàng ông lại quên phong thưởng cho Giới Tử Thôi. Thay vì oán hận vua, Tử Thôi cho đó là việc nên làm nên về quê đưa mẹ già lên núi ở ẩn.
Sau vua Tấn nhớ ra cho truyền Giới Tử Thôi vào cung lĩnh thưởng. Nhưng là người không coi trọng danh lợi, Tử Thôi từ chối. Muốn ép Tử Thôi về cung, vua Tấn ra lệnh đốt rừng. Không ngờ, Giới Tử Thôi vẫn cương quyết, 2 mẹ con ông bị thiêu cháy.
Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3/3 đến mồng 5/3 âm lịch hàng năm). Từ đó ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm được coi là ngày tết Hàn thực, nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
Ý nghĩa tết Hàn thực ở Việt Nam
Bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa nhưng tết Hàn thực của Việt Nam lại có những sắc thái riêng, đậm màu dân tộc. Vào ngày này người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường.
Người Việt Nam ăn tết Hàn thực với mục đích chủ yếu là lễ Phật và cúng gia tiên. Hàn thực nghĩa là các món lạnh, các món nguội người Việt hay dùng trong ngày lễ này là bánh trôi, bánh chay. Cũng vì lẽ đó, không biết từ bao lâu, cái tên Hàn thực đã trở nên xa lạ, thay vào người Việt gọi ngày ấy bằng từ ngữ gần gũi hơn, thuần Việt hơn – Tết bánh trôi bánh chay.
Và tục làm bánh trôi, bánh chay truyền thống
Tục ăn bánh trôi, bánh chay tương truyền có từ đời Hùng Vương. Xưa kia, người ta không ăn bánh trôi, bánh chay trước ngày mồng 3 tháng 3 vì ngày hôm đó có bánh mới, bắt đầu dâng tổ tiên, dâng Thổ công, mà theo truyền thống của người Việt Nam tới mỗi mùa nào đó, có hoa quả, thực phẩm gì đầu mùa, người ta chưa được phép ăn nếu chưa làm lễ cúng. Điều đó thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đối với thần linh, tổ tiên, đã trở thành nếp nghĩ trong mỗi con người.
Từ những ngày đầu tháng, các bà các mẹ đã rục rịch chọn mua gạo nếp, đỗ ngon về xay bột, đồ đỗ để làm bánh trôi, bánh chay. Nhà nào vội vàng có thể chạy ù ra chợ, mua lấy cân bột nước, gói đường phên, thêm bọc vừng, bọc dừa về để chuẩn bị sẵn sàng nặn bánh. Việc nặn bánh khá đơn giản, lại vui vẻ nên lũ nhỏ cũng háo hức, xúm vào đòi học.
Bánh trôi nặn viên tròn nhỏ, chỉ nhỉnh hơn ngón tay, thường có nhân bằng đường phên, đôi khi có thể thay bằng mứt sen hay mứt bí lạ miệng. Bánh trôi xếp trên đĩa nhỏ, mỗi đĩa chỉ để hơn chục viên là vừa phải, chấm nhẹ trên mỗi viên vài hạt vừng rang là đã đủ hấp dẫn. Bánh chay lớn hơn bánh trôi một chút, được nặn dẹt, nhân đậu xanh nhào nhuyễn, ăn cùng nước đường, chè hoa cau. Để cho đẹp mắt, người ta còn thường rắc thêm dừa nạo sợi, hay vài hạt đậu xanh lên trên.
Bánh trôi, bánh chay đều chín bằng cách luộc sôi. Luộc bánh trôi phải chờ đủ “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” mới hoàn tất. Trước hết phải chờ nước sôi già mới thả bánh, sau phải chờ bánh nổi mới vớt ra thả vào nước lạnh cho săn lại rồi mới vớt ra bày vào đĩa. Từng viên bánh trôi trắng ngần thấm vị ngọt bùi của đường phên, vị dẻo thơm đặc trưng của bột gạo nếp, thêm chút vị vừng quyến luyến. Chỉ ngần ấy thôi cũng đã đủ khiến người ta nuốt nước miếng.
Thậm chí ngày nay, bánh trôi bánh chay còn được biến tấu với đủ màu sắc: đỏ, tím, cam, hồng,… vô cùng hấp dẫn.
Bánh chay ăn với nước đường trắng đun sôi, hòa chút bột năng cho sánh, thêm nước hoa bưởi, dừa nạo sợi. Bánh có vị ngọt dịu dễ chịu, là món ăn thanh mát rất hợp lý trong tiết đầu tháng ba.
Tết bánh trôi bánh chay là một phong tục đẹp của người Việt. Những chiếc bánh trắng trong, nhỏ bé nhưng mang trong mình hồn nước, kết nối truyền thống văn hóa bao thế hệ Việt Nam.
Phong Vũ – Blogdulich.vn
(Trong bài có ảnh được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu các tác giả không đồng ý với cách sử dụng ảnh xin vui lòng phản hồi dưới bài viết, blogdulich.vn sẽ gỡ ngay lập tức. Cảm ơn các tác giả đã cho ra đời những tác phẩm đẹp! Tôi thành thực biết ơn.)
NOTE: Bài viết thuộc bản quyền của Blogdulich.vn. Tất cả sao chép vui lòng ghi rõ nguồn và link tương ứng.
Nhà ai làm món này, t ké với. Hôm nay vẫn chưa được ăn
Muốn về nhà làm bánh trôi bánh chay quá T_T không biết người ta tạo màu kiểu gì ~.~
nhà mình toàn làm bánh chay bằng nhân bánh đậu xanh hải dương :3