Nhắc đến Mỹ Sơn người ta thường chỉ nghĩ đến những kiến trúc đền tháp đồ sộ mang đặc trưng tiêu biểu của văn hóa tâm linh của người Chăm Pa. Thế nhưng ngày nay khi đến Mỹ Sơn có thể bạn sẽ bất ngờ khi được tham gia trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây, đắm mình vào nét văn hóa độc đáo Chăm qua dịch vụ homestay độc đáo.
Cùng blogdulich.vn khám phá những nét độc đáo “rất Mỹ Sơn” qua dịch vụ homestay độc đáo này bạn nhé!
Là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam nên Mỹ Sơn dường như luôn khoác lên mình tấm áo choàng bí ẩn. Một khu đền đài bằng gạch đồ sộ, đỏ rực giữa mảnh đất Quảng Nam nhưng những gì người ta biết về nó gần như số 0 tròn trĩnh. Những tour du lịch đến vùng “đất thánh” Mỹ Sơn cũng chỉ quanh quẩn quanh những khu tháp cổ với cát, với gạch cùng kiến trúc Chăm kỳ bí. Cảm giác tò mò, khó hiểu khiến Mỹ Sơn càng thêm phần độc đáo, thú vị.
Tuy nhiên giờ đây, đến Mỹ Sơn bạn sẽ được thỏa thuê bóc tách, tự do khám phá nét văn hóa độc đáo của nền văn hóa cổ Chăm pa qua dịch vụ homestay mới mẻ.
Trước đây việc bạn có thể làm chỉ là đặt chân vào từng ngôi tháp, ngắm nghía từng viên gạch vỡ, những thân tượng và phù điêu mốc rêu gãy đổ rồi lập tức lên xe về Hội An hay xuôi thuyền xuống bến Bạch Đằng dù cảm giác tò mò, thích thú mới bắt đầu nhen nhóm. Còn giờ đây bạn sẽ tiếp tục ở lại, đốt cháy cảm xúc của mình bằng hành trình “đột nhập cuộc sống” của người dân bản xứ.
Bạn có biết điểm đặc biệt đầu tiên thử cảm giác “homestay” ở Mỹ Sơn là gì không?
Đó chính là cảm giác về nhà. Vâng. Một ngôi nhà thật sự bạn nhé!
Tại sao tôi nói vậy?
Bởi lẽ, cả Mỹ Sơn chỉ có 5 ngôi nhà được đầu tư làm dịch vụ homestay nhưng khi đến bạn sẽ được người dân cả lãng tiếp đón như người nhà. Con đường mòn nho nhỏ nhưng sạch sẽ xen giữa những bụi cây dại lòa xòa. Những ngõ nhỏ lát đá phiến với hàng rào hoa tỉa tót xinh tươi. Những khoảnh vườn xanh mướt, nhỏ xinh như lời mời gọi của cô gái nhỏ hiền hòa.
Đêm đầu tiên ở Mỹ Sơn sẽ là đêm của nghe – nhìn với giai điệu rộn rã trống ginăng, réo rắt kèn Saranai, não nùng đàn K’ní hát. Phải chìm trong không gian tĩnh mịch của đêm rừng mà nghe người nghệ nhân tự tình, lúc to lúc nhỏ, lúc như xô đẩy như méo xệch âm thanh ai oán, mới hiểu vì sao người Chăm lại không nói “kéo đàn K’ní” mà nói “đàn K’ní hát”.
Và làm sao có thể thiếu những điệu múa Chăm cổ. Những cô gái Chăm trong tấm khăn chùm đầu và áo dài chấm gót khi thon mảnh lướt đi uyển chuyển với chiếc bình hờ hững trên đầu dịu dàng bí ẩn. Hay bỏ qua sao được hình ảnh các vũ nữ apsara thân hình tròn mẩy, cánh tay thon hồng, khuôn ngực săn chắc, gương mặt lạnh kiêu sa nhịp nhàng theo điệu nhảy xứ đất chùa.
Vào lúc buổi biểu diễn, du khách chớ vội về phòng nghỉ ngay. Hãy nán lại bên hiên nhà, thử cầm chiếc chày giã gạo, tập từng nhịp giã, đến lúc tạm thuần thục cũng là lúc những câu chuyện miên man về cuộc sống của người nông dân Chăm, về cái cối giã gạo, cái bồ đựng thóc, cái cối xay bột hiển hiện lên rõ nét như một bảo tàng qua lời kể của vị chủ nhà hiếu khách.
Một ngày ở Mỹ Sơn sẽ kết thúc thật muộn với trọn vẹn cảm giác thích thú, mê say.
Nhưng hôm sau bạn cũng đừng ngủ nướng, hãy bắt đầu thật sớm để có thể đi hết những nơi cần đi, làm hết những việc cần làm.
Một trong số những việc cần làm là trải nghiệm cảm giác làm một người nông dân thực sự trên cánh đồng khô. Gọi là đồng khô vì tập quán canh nông dựa hoàn toàn dựa vào nước trời của người Chăm cổ, thay vì xây dựng hệ thống thuỷ lợi để tưới tiêu như người Kinh.
Cũng vác cày cuốc ra đồng, cũng đi chân đất và cũng lội vào từng thửa ruộng nóng rẫy trồng bắp tỉa đậu, kéo bừa, gieo hạt trên cánh đồng khô như người nông dân thực thụ bạn mới hiểu hết cảm giác mặn mòi nơi đất Quảng.
Nhưng đừng lấy làm mệt mỏi bởi sau khi đổ bao nhiêu mồ hôi dưới cái lửa nắng vàng như mật, người nông dân tập sự sẽ được bù đắp bằng những giây phút ngồi buông thuyền trên hồ Thạch Bàn mênh mông ngăn ngắt. Làn nước trong xanh, hơi nước mát lành cùng cảnh đẹp nên thơ sẽ giúp bạn đập tan cảm giác mệt mỏi trước đó.
Cũng đừng quên chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho một chuyến trekking thú vị vào khu rừng trong thung lũng bạn nhé! Lội qua những con suối, leo lên những dốc đá, khám phá những hang sâu từng là căn cứ cách mạng trong chiến tranh chống Mỹ, chinh phục những ngọn núi ở độ cao gần 1000m và không bỏ qua nỗi thách thức của các nhà thám hiểm – đỉnh Răng Mèo. Leo lên đỉnh cao nhất, thu gọn đất trời Mỹ Sơn, hít hà căng đầy khí quản hương vị của đỉnh Răng Mèo thực sự là cảm giác không dễ gì quên lãng.
30/4 này bắt đầu hành trình đến Mỹ Sơn, ngắm tháp Chăm, vào làng Chăm, ăn cơm Chăm, nghe kèn Chăm, xem múa Chăm, làm người Chăm, để hiểu về một “nền văn minh rất Chăm” là một kế hoạch tuyệt vời đúng không bạn nhỉ?
nhìn người chăm cảm giác rất khác so với người mình nhé :v