Đã từ lâu cái tên bánh răng bừa dường như đã đi sâu vào tiềm thức của người dân thôn Bến – Phụng Công – Văn Giang – Hưng Yên. Đó một thức quà quê dân dã, bình dị đã tồn tại nơi đây hàng trăm năm và là niềm tự hào của làng. Dân thôn Bến gọi bằng tên gần gũi, đặc biệt như vậy bởi hình thù của bánh giống với chiếc răng bừa ông cha ta sử dụng trong nông nghiệp.
Nếu ai đã từng thưởng thức bánh răng bừa chắc hẳn sẽ rất khó quên vị quê, chất quê của bánh. Đó là sự kết hợp dẻo thơm của gạo tám quện với vị giòn của mộc nhĩ , vị ngọt của thịt ba chỉ, vị cay nồng của hạt tiêu tạo nên sự hấp dẫn chỉ bánh răng bừa thôn Bến mới có được.
Chẳng biết bánh răng bừa xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng cứ từ đời này qua đời khác người dân thôn Bến đấy nối tiếp nhau giữ nghề. Để làm ra chiếc bánh ngon người thợ đã cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu đến khi chế biến. Không chỉ vậy chiếc bánh chất chứa biết bao tâm huyết ấp ủ của người nông dân. Gạo làm bánh nhất định phải là Tám lim (tám Hải Hậu) bởi loại gạo này dẻo mà không dính. Gạo giã hoặc xay thành bột với nước, phải pha nước vừa đủ, không được khô hoặc nhão. Sau đó đem bột cho vào nồi quấy chín 50%. Khi đun giữ lửa không quá to không quá nhỏ. Rồi cho vào máy đánh nhuyễn thêm cho mẻ bột vừa sánh, vừa dẻo lại dai tấm bánh. Khâu làm bột này quyết định chất lượng bánh có ngon hay không nên nó là cả một tâm huyết và cũng là bí truyền của nghề làm bánh tẻ Văn Giang. Mỗi lần đánh bột mà cánh thợ làm bánh gọi là giáo bột, phải chọn người thật khỏe để đánh thật nhanh, thật mạnh thì bột mới dẻo và mịn, đánh đến khi nào thấy nặng tay, bột bắt đầu đặc là được.
Chị Đàm Thị Hường chủ hiệu bánh Thắng Hường có tiếng ở thôn Bến chia sẻ: “Cách pha chế và đánh bột là bí quyết riêng của từng nhà. Bánh răng bừa Phụng Công chúng tôi không sử dụng hàn the mà vẫn dẻo, giòn. Nhân bánh từ hành khô phi thơm lừng, thả thịt ba chỉ xắt hạt lựu rồi nước mắm nhĩ, hạt tiêu, mộc nhĩ thái mịn đảo đều tay, khi thịt hơi săn, tỏa mùi thơm là được.”
Khâu gói bánh hay còn gọi là lấy bột cũng quan trọng không kém, đòi hỏi phải khéo tay, bột phết đều, gọn trong lòng lá, nhân đặt chính giữa. Bánh gói xong giống hệt cái răng bừa, ở giữa phình ra, hai đầu nhỏ lại. Lá gói bánh phải được gói bằng lá dong quê trồng ven bãi phù sa sông Hồng mà không phải lá dong rừng. Bởi lẽ khi gói bằng lá dong quê màu bánh xanh hơn, bắt mắt hơn. Nhìn những bé gái chỉ 10 – 13 tuổi trong thôn tay thoăn thoắt gói những chiếc bánh chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Khi luộc bánh cần phải luộc bằng nước sôi 15 phút, để bánh vừa chín tới, bánh róc khi bóc, có màu xanh. Nếu luộc bằng nước lạnh bánh sẽ bị nhão mất đi độ dẻo, giòn vốn có.
Khác với bánh tẻ Phú Nhi ( Hà Tây cũ), Bánh răng bừa ở Thanh Hóa, bánh răng bừa Phụng Công có những đặc trưng riêng hoàn toàn làm bằng phương pháp thủ công. Bà Nguyễn thị Nguyệt chủ cơ sở Túc Nguyệt cho biết: “Khi bóc bánh thấy có màu xanh mướt của lá, uốn cong hai đầu cũng không bị gãy, bánh dẻo và ráo vỏ thì đã biết bánh đạt tiêu chuẩn”. Đã từ bao đời nay dân thôn Bến vẫn quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề truyền thống không chỉ vậy họ còn nỗi ấp ủ để đem tâm huyết của mình được đến với những vùng khác.
Khi cùng những người thân trong gia đình thưởng thức bánh răng bừa với nước mắm chanh, tỏi, tớt thì thật hấp dẫn. Đây cũng thể hiện tính cộng đồng, cộng cảm trong văn hóa ẩm thực của người Việt.
Bánh răng bừa là sản phẩm sáng tạo của ông cha ta trong nền văn minh lúa nước, triết lý phương Đông. Đó là sự kết hợp của những nguyên liệu từ thiên nhiên gạo, lá dong, mộc nhĩ, thịt lợn, hành. Không hào nhoáng, sang trọng nhưng bánh răng bừa cũng đủ gây ấn tượng với thực khách bằng sự giản dị, mộc mạc mà đậm đà của mình. Cũng giống như bánh chưng, bánh giày bánh răng bừa là thức quà không thể thiếu trong mâm cỗ mỗi dịp lễ, tết, đám cưới…ở Phụng Công. Đặc biệt, những ai đi xa quê hương lâu năm trở về được thưởng thức đặc sản thôn Bến như thấy được vị quê trong đó.