Nói đến trà đạo, cách thưởng thức trà… hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay tới đất nước Nhật Bản xa xôi hay người bạn hàng xóm Trung Quốc, nhưng ít ai biết rằng Việt Nam cũng là một trong những cái nôi của trà đạo. Nghệ thuật uống trà của người Việt cũng tinh túy như chính nét văn hóa của dân tộc vậy. Trà đạo của người Việt không phô trương mà rất bình dị phảng phất hơi thở của cuộc sống, nhưng lại mang được cái phọng vị, cái tinh hoa của đất trời.
Các cụ nhà ta thưởng trà cũng cầu kì lắm:
Thi nhân khi ấy chi làm bạn
Một triệu trầm hương, một chén trà.
Thưởng trà bao giờ cũng phải có hội, mà có lẽ hội đặc biệt nhất là: Hội trà ngũ hương.
Khay uống trà ngũ hương phải thửa 5 chỗ trũng để 5 loại hoa đang độ đượm hương nhất: cúc, sói, nhài, sen, ngâu và úp các chén kín hoa, bưng khay để lên nồi nước sôi cho hương hoa bám vào lòng chén. Pha trà mạn ngon và rót đều vào từng chén, mỗi người tham gia sẽ phải đoán hương trà trong chén của mình và cùng nhận xét. Sau mỗi chén trà, người chủ trà lại hóa vị hương để ai cũng được thưởng thức hết cái tinh túy của hội trà ngũ hương.
Hoa được dùng trong ngũ hội trà phải là loại hoa có trong khuôn viên thưởng thức trà hoặc mới được hái từ sáng sớm tinh mơ.
Người thường thức trà trong ngũ hội trà cũng phải là những người hết sức thanh tao, tâm phải tĩnh, lòng phải yên mới có thể cảm nhận hết cái sự tinh túy, cái đỉnh cao nghệ thuật của hội trà.
Ngũ hội trà là nơi mọi người vừa họp mặt, ngồi chơi thưởng trà ngắm hoa, đàm đạo văn chương hay chuyện đời với nhau. Mỗi người câu chuyện, mỗi ý thơ vừa thanh nhã, vừa mang cái khí thái của người hiền tài. Chỉ bên chén trà người ta mới cảm thấy ngần ngũi nhau hơn, chia sẻ với nhau chuyện đời, cùng nhau họp bàn chuyện đại sự nước non.
Nào hãy lại đây, ta với ta
Kể gì bình dị với hào hoa
Chuyện vui, quên cả trăng soi cửa
Thế sự vòng quanh một ấm trà…