Vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp từ truyền thuyết và lịch sử

“Vịnh Hạ Long có vẻ đẹp kỳ thú”- là lời nhận xét của Chủ tịch Tổ chức New 7 Wonders – Bernard Weber trong buổi gặp mặt báo chí vào chiều ngày 28-9 vừa qua tại Hà Nội, nhân chuyến thăm Việt Nam và vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới theo lời mời của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh. Vịnh Hạ Long đẹp như thế nào? Để giúp bạn đọc trong nước và thế giới chưa có dịp đến Hạ Long, chưa hiểu rõ về Hạ Long, chúng tôi xin giới thiệu khái lược về vẻ đẹp này qua truyền thuyết và lịch sử.

“Vịnh Hạ Long có vẻ đẹp kỳ thú”- là lời nhận xét của Chủ tịch Tổ chức New 7 Wonders – Bernard Weber trong buổi gặp mặt báo chí vào chiều ngày 28-9 vừa qua tại Hà Nội, nhân chuyến thăm Việt Nam và vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới theo lời mời của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh. Vịnh Hạ Long đẹp như thế nào? Để giúp bạn đọc trong nước và thế giới chưa có dịp đến Hạ Long, chưa hiểu rõ về Hạ Long, chúng tôi xin giới thiệu khái lược về vẻ đẹp này qua truyền thuyết và lịch sử.

Độc đáo hòn Ngón tay
Vịnh Hạ Long, là biển của thành phố Hạ Long và thị xã Cẩm Phả thuộc tỉnh Quảng Ninh, ở về phía Đông Bắc Việt Nam, cách Thủ đô Hà Nội 165 km. Vịnh Hạ Long là một phần sát bờ phía Tây của Vịnh Bắc Bộ. Với diện tích 1.500 km2, có 1.600 đảo, trong đó gần 1.000 đảo có tên, Hạ Long chứa đựng những giá trị tiềm tàng và còn nhiều điều bí ẩn…

Từ thế kỷ XIX trở về trước, tên Hạ Long chưa thấy được ghi chép trong các thư tịch. Mỗi khi nói đến biển Quảng Ninh, đến vịnh Hạ Long ngày nay, sử sách xưa thường chép là biển Giao Châu, Lục Châu, Lục Thủy, Hải Đông, An Bang… Mãi đến cuối thế kỷ XIX, tên vịnh Hạ Long mới thấy xuất hiện trên bản đồ hàng hải của Pháp vẽ về vịnh Bắc Bộ, trên một số bài báo chữ Pháp và chữ Việt.

Người dân Hạ Long kể lại rằng: “Xưa kia, khi người dân đất Việt mới lập nước, trong một lần nước Việt Nam bị giặc ngoại xâm, Trời sai Rồng mẹ mang theo một đàn Rồng con xuống giúp người Việt Nam đánh giặc. Chiến thuyền của giặc từ biển ào ạt tấn công vào bờ, thì cũng là khi đàn Rồng hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc. Những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn đảo đá màu ngọc thạch, chỗ kết lại như bức tường thành, chỗ dàn ra trận địa, chặn bước tiến quân của giặc, tạo điều kiện cho người Việt Nam chiến thắng.

Sau khi giặc tan, Rồng mẹ, Rồng con không trở về thiên đình nữa mà ở lại trần gian, nơi vừa diễn ra trận chiến đấu. Chỗ Rồng mẹ xuống là Hạ Long. Chỗ Rồng con xuống là Bái Tử Long. Đuôi của đàn Rồng quẫy lên trắng xóa là Long Vĩ, tức bán đảo Trà Cổ ngày nay với bãi cát mịn, dài hàng chục cây số. Truyện dân gian này gắn liền với quan niệm về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là “con Rồng cháu Tiên”. Dân tộc Việt Nam chiến thắng giặc ngoại xâm có Rồng, Tiên giúp sức. Rồng, Tiên ấy chính là sức mạnh truyền thống của dân tộc đã được biểu tượng hóa. Và cái tên Hạ Long ấy bắt nguồn từ trong dân gian. Người đầu tiên đặt cho vùng vịnh đảo xinh đẹp cái tên thơ mộng ấy không ai khác ngoài chính những người dân đất Việt. Bên cạnh vịnh lớn mang tên Hạ Long – “Rồng xuống”, nhiều đảo, núi trong vịnh cũng mang tên đầu Rồng, đuôi Rồng như: Hòn Rồng, Đảo Long Châu, thôn Cái Rồng (đảo Kế Bào)…
Thạch nhũ động Thiên Cung

Lạc giữa non nước mây trời Hạ Long tuyệt mỹ là hang mang tên rất mộc mạc dân dã: hang Đầu Gỗ. Sở dĩ gọi như vậy là vì theo truyền thuyết xưa kể rằng: Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đã cho chuẩn bị nhiều cọc gỗ lim ở đây để cắm xuống lòng sông Bạch Đằng, tạo nên một trận thủy chiến vang lừng trong lịch sử. Sau đó còn rất nhiều mẩu gỗ sót lại vì vậy hang mang tên Đầu Gỗ. Hiện nơi đây có đến hơn 30 chiếc cọc gỗ lim của Trần Hưng Đạo đã dùng để cắm xuống dòng sông Bạch Đằng lại hiện hữu ở nơi đây. Câu chuyện này đã lý giải cho cái tên thuần Việt độc đáo của hang, đồng thời nhắc nhở mọi người nhớ lại sự kiện chiến công oanh liệt của quân dân thời Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông cách đây hơn 7 thế kỷ. Người dân vẫn lưu truyền câu ca dao: “Hồng Gai có núi Bài Thơ/ Có hang Đầu Gỗ có chùa Long Tiên”.

Du khách có thể ghé thăm Động Kim Quy nằm trên hòn Dầm Nam, có đỉnh núi cao 187m. Phía trước là hòn Dầm Bắc, phía sau là đảo Soi Sim. Động dài 100m, rộng từ 5 – 10m trải dài theo hướng Bắc Nam. Động gắn liền với truyền thuyết về Rùa Vàng xưa. Chuyện kể rằng sau khi Rùa Vàng giúp vua Lê Lợi đánh tan quân giặc, Rùa Vàng lấy lại gươm và bơi về bể đông, khi đến Hạ Long này có nhiều yêu quái quấy nhiễu, Rùa Vàng xin với vua Thủy Tề ở Hạ Long diệt trừ yêu quái. Sau khi diệt xong yêu quái, Rùa Vàng cũng vì đó mà kiệt sức, đã tìm cho mình một động rồi hóa đá trong đó.

Hòn Con Cóc, Hòn núi đá này trông giống như một con cóc ngồi xổm giữa biển nước, cao 9m. Con cóc xấu xí nhưng lại là một người bạn tốt của nhà nông. Vào mùa nắng hạn người ta cứ nghe theo tiếng cóc để biết khi nào trời đổ mưa. Về chuyện này, đã có hẳn một câu chuyện cổ tích kể về cuộc hành quân gian khổ của đoàn thú vật sắp chết vì đại hạn đã rủ nhau lên Thiên Đình đấu tranh đòi Ngọc Hoàng phải làm mưa. Đoàn quân ấy do chú Cóc gan dạ dẫn đầu và sau khi thắng lợi, Ông trời đã phải nhận Cóc làm cậu Ông Trời và khi nào Cóc nghiến răng thì phải theo lệnh mà thả mưa xuống trần gian.

Mỗi vùng đất đều có một không gian văn hóa khác nhau. Không gian của Vịnh Hạ Long song hành cùng vẻ đẹp của thiên nhiên là sự ẩn chứa vẻ đẹp của truyền thuyết, huyền sử. Không những thế, Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc với những địa danh nổi tiếng như Vân Đồn – Quân cảng, thương cảng cổ nổi tiếng một thời (1149), có núi Bài Thơ ghi bút tích của vua Lê Thánh Tông và nhiều bậc danh nhân, xa hơn chút nữa là dòng sông Bạch Đằng – nơi đã từng chứng kiến hai trận thủy chiến lẫy lừng của cha ông ta chống giặc ngoại xâm…

 
Đặt phòng khách sạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *