Xuôi quốc lộ 51, ngay địa phận Phước Hoà nhìn về tay phải ta sẽ thấy một dãy núi thấp nằm xoải dài trên sông nước, cỏ cây xanh rờn… Đó là Núi Nứa hay còn gọi là đảo Long Sơn.
Long Sơn ngày nay là một xã (xã đảo) thuộc TP vũng tàu. Đây là vùng đất đã có ích sử lâu đời với những di tích, thắng cảnh, truyền thuyết tôn giáo rất lạ. Tại sao gọi là Núi Nứa? Nếu trước kia (hiện nay vẫn còn số ít) trên khắp đảo có nhiều cây nứa (một họ với tre) mọc thành rừng. Hòn đảo lại không lớn lắm (dài 6km, ngay chỗ rộng nhất không lớn hơn 2km) nên các rừng nứa nói trên đã phủ đầy mặt đảo, trở thành cây đặc trưng để rồi “thành danh là núi Nứa.
Còn tại sao gọi là núi Long Sơn. chính do hình dáng của đảo, mới thoạt trông từ xa giống như một con rồng xanh khổng lồ đang giỡn mình trên sóng biến. Núi rồng (Long Sơn) là thế… Nhưng núi Nứa hay Long Sơn sẽ không được nhiều người nhắc tới nếu nó không gắn liền với những truyền thuyết về Đạo ông Trần. ông Trần là tên dân gian để gọi một người tên là Lê Văn Hưu người gốc Hà Tiên (Kiên Giang), từng tu hành theo phái Tứ ân Hiếu Nghĩa ở Núi Thất Sơn (An Giang). Năm 1900, ông dẫn 20 đệ tử tìm đến đảo Long Sơn và định cư hẳn ở đây khai hoang và truyền đạo. Tôn giáo của ông Trần rất lạ: không có chùa, không có kinh kệ, không ăn chay, không kiêng kỵ như nhiều tôn giáo khác. Tín đồ chỉ truyền khẩu những lời dạy của ông Trần. Sau một thời gian ngắn, nhờ siêng năng, cần mẫn, ông Trần và các đệ tử đã biến một vùng rừng của Núi Nứa thành đất trồng trọt. Nhiều người ở nơi khác tìm đến xin cùng định cư và trở thành đệ tử ông Trần. Khi ông Trần qua đời, ngoài “Đạo ông Trần” truyền lại, ông còn lưu dấu trên đảo một số công trình kiến trúc đợm tính dân gian nhưng khá độc đáo: các ngôi nhà ở bằng tre nứa nhưng kiến trúc theo cách riêng thể hiện tính quần cư, đoàn kết giữa người dân trên đảo. Các ngôi nhà xây dựng tập trung gần nhau để khi hữu sự để cứu giúp nhau, một phần nữa có lẽ để dễ đối phó với cướp bóc, thú dữ. Đặc biệt là sau khi ông Trần mất, các tín đồ đã có một ngôi nhà lớn, hay còn gọi Đền ông Trần. Ngôi nhà này rất bề thế, ngày xưa xây bằng gỗ ván, tre nứa nhưng qua thời gian, các đệ tử đã trùng tu lại bằng mái ngói, cột vách bằng gỗ quí.
“Nhà lớn” được dựng ngay trung tâm khu quần cư, tổng diện tích toàn khu trên 2ha, gồm ba phần riêng biệt: Khu đền thờ (nhà lớn), nhà chợ, nhà mát, nhà nghe sấm, khu trường học, khu nhà Long Sơn Hội (hội trường), các dãy phố quanh chợ và ngôi mộ ông Trần.
Ngày nay du khách đến viếng Đạo ông Trần vẫn còn nhìn thấy nguyên vẹn những kiến trúc cổ xưa. Ngoài ra khi vào tận nơi tham quan, chúng ta còn được chiêm ngưỡng một số cổ vật quý hiếm bằng gỗ, như bộ tủ thờ trạm trổ của các nghệ nhân Hà Đông (Bắc Bộ) gồm 33 món cực kỳ tinh xảo; bộ bàn ghế Bát Tiên tương truyền là của Vua Thành Thái triều Nguyễn; chiếc long sàng và các ghế theo kiểu dành cho vua, chạm khắc tinh vi, đẹp mắt.
Tóm lại, những gì còn lưu dấu lại ở đảo Long Sơn, cho thấy một khía cạnh trong bức tranh đa dạng về tín ngưỡng tôn giáo, về nghệ thuật dân gian rất phong phú của dân tộc ta. Đảo Long Sơn càng ngày có sức thu hút cao du khách thập phương…
(Theo BRVTTR)