Nghệ thuật điêu khắc “tái sinh” cây gạo 300 năm tuổi

Tiếc thương cây gạo 300 năm tuổi bị sâu mọt “hành hạ” cho đến chết, chẳng mấy chốc hóa vào cát bụi, 18 nhà điêu khắc đã chung tay góp sức viết lên câu chuyện “Tái sinh” cho cây gạo già…

Dưới tán cây gạo già….

Làng Đông Cao, Xã Yên Lộc, Huyện Ý Yên, Nam Định có 2 cây Gạo hàng trăm tuổi đứng trước cửa chùa đầu thôn. Các cụ già kể lại, khi còn bé đã thấy 2 cây gạo lớn mấy người ôm không xuể. Nhiều người còn khẳng định cả Nam Định cũng chưa có cây gạo to như thế.

Cây gạo chứng kiến bao biến cố thăng trầm của người dân nơi đây. Chính dưới gốc gạo này biết bao thế hệ đã được sinh ra và lớn lên, diễn ra bao cuộc chia li và đoàn tụ. Thời chiến tranh, dưới tán gạo là hàng nghìn người dân huyện Ý Yên từng tránh bom đạn của giặc Mỹ. Đội phòng không không quân của huyện cũng lấy đây làm căn cứ. Cây gạo như người mẹ che chở cho dân làng và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây.

cay gao lang dong cao

Ấy vậy mà, đột nhiên, năm 2010 một cây gạo bị héo khô dần và có dấu hiệu bị bệnh. Dân làng Đông Cao lo lắng, hốt hoảng tìm cách cứu chữa và mạnh dạn đưa sự việc này lên ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khi ấy. Và ông Bộ trưởng đã chỉ thị cho Viện Lâm nghiệp Việt Nam cử các chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu và tìm cách chữa trị cho cây Gạo.

Các chuyên gia nhanh chóng về thị sát, nghiên cứu và tìm cách cứu chữa cho cây Gạo. Thậm chí họ còn mời chuyên gia lâm nghiệp hàng đầu của Úc, tiến sỹ Arbor Carbon Paul Barber sang cùng trực tiếp cứu chữa. Song, cây đã bị sâu đục thân thâm nhập quá nặng không thể cứu chữa. Cây chết từ bên trong. Cây bị bệnh qua thời gian dài, nhiều lần bơm thuốc cứu chữa nhưng các chuyên gia đành bó tay. Một năm sau đó cây gạo chết đi để lại sự thương tiếc cho người dân.

Ý tưởng “tái sinh” cây gạo đến từ…chuyên gia Úc

Tuy cây gạo đã chết, nhưng các chuyên gia lâm nghiệp mong muốn biến cái chết đó trở nên ý nghĩa và là một bài học đối với việc bảo vệ cây xanh. Và chính ông chuyên gia lâm nghiệp người Úc, một người rất yêu quý Việt Nam đã lên ý tưởng mời các nghệ sĩ, các nhà điêu khắc biến thân cây Gạo thành các tác phẩm nghệ thuật. Chỉ có như vậy, cây gạo mới được “hóa kiếp” sống bằng thân hình của những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc.

Với tinh thần đó, các nhà điêu khắc của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội đã cùng nhau thực hiện Trại điêu khắc gỗ mang tên “Tái sinh”. Họ lấy toàn bộ thân cây gạo già xấu số của làng Đông Cao, Ý Yên, Nam Định làm chất liệu. Việc làm này nhận được sự đồng tình rất lớn của dân làng.

cay gao gia 300 tuoi

Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ sỹ, những mấu sần, u cục xù xì, những viên đạn còn vương trên cây gạo trở thành những tác phẩm điêu khắc mang thông điệp về sự khát khao cuộc sống của thiên nhiên và của con người, về sự tái sinh, đó là sự chết không phải là chấm hết.

tac pham chuyen que

Trong 20 ngày, trại điêu khắc sáng tác “Tái sinh” đã nhận được sự nhiệt tình tham gia của 18 nhà điêu khắc. Mỗi tác giả, bằng tấm lòng và tài năng nghệ thuật của mình đã sáng tác ra nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị. Dưới cái nắng mùa hè như đổ lửa gần 40 độ, họ vẫn kiên trì cưa, đục, chỉnh sửa với nhiều ý tưởng phong phú. Không ít người hỏi các nghệ sĩ không sợ “thần cây đa, ma cây gạo” sao, nhưng tất cả đều nói “làm việc tốt thì có gì đâu mà sợ”.

tac pham hanh khat

Trong quá trình thực hiện những tác phẩm, theo Nhà điêu khắc Trần Văn An cho biết, gỗ gạo không phải là chất liệu lý tưởng để sáng tạo nên những tác phẩm điêu khắc. Gỗ gạo thuộc nhóm gỗ tạp, hơn thế nữa, cây gạo đã tồn tại hàng trăm năm và chết vì mục ruỗng. Chính sự mục ruỗng đã tạo nên nhiều khó khăn cho các nhà điêu khắc: “Chúng tôi có những người làm việc rất vất vả, khi phải loại bỏ hết phần gỗ mục để lấy gỗ lõi thực hiện tác phẩm. Nhưng cũng có những nhà điêu khắc sử dụng chính những chỗ sâu mục ấy để gửi gắm ý tưởng của mình. Dù việc sử dụng gỗ gạo làm chất liệu điêu khắc có thể nói là hơi phí để các nhà điêu khắc đầu tư công sức, nhưng đây lại là việc làm hết sức có ý nghĩa để “tái sinh” cây gạo”.

Thế là, 30 tác phẩm đã hoàn thành ngoài sức mong đợi. Đây là một đợt sáng tác mà các tác phẩm gắn liền với đời sống tâm linh; làm sáng lên những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Các chuyên gia đầu ngành như Chủ tịch Hội điêu khắc Việt Nam Lưu Gia Khanh, nguyên chủ nhiệm khoa lí luận về điêu khắc Phạm Hoa đều đánh giá cao những tác phẩm của 18 tác giả kể trên và động viên họ tiếp tục cố gắng hoàn thiện hơn nữa.

tac pham han

Cũng trong buổi khai mạc Triển lãm “Tái sinh” diễn ra vào sáng ngày 1/6 tại trường Mỹ thuật công nghiệp, đại diện dân làng  là anh Ngô Văn Khánh đã vô cùng cám ơn những người nghệ sĩ như đã sinh ra cây gạo lần thứ hai, để nó sống  mãi với thời gian.

Triển lãm “Tái sinh” sẽ kéo dài đến ngày 6/6 tại trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Sau đó, những tác phẩm trên sẽ thuộc về những nhà điêu khắc và họ sẽ tiếp tục mang chúng triển lãm nhiều nơi, thậm chí còn mang đi đấu giá trên quốc tế. Nhưng, hi vọng, sẽ có nhiều tác phẩm được trưng bày ngay tại chính quê hương của cây gạo để những thế hệ dân làng Cao Phong còn được sống mãi với cây gạo già năm xưa….

Nguồn: ngaynay.vn
 
Đặt phòng khách sạn

One comment

  1. Cứ nghĩ ý tưởng này là của người Việt mình cơ :v :v :v

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *