Thiền viện Trúc Lâm

Thiền viện Phật Giáo Trúc Lâm tọa lạc trên Đỉnh Phượng Hoàng, gần thị trấn Đà Lạt, với diện tích gần 25 hecta. Từ nơi đây, du khách có thể nhìn ngắm một khung cảnh vô cùng hùng vĩ với màu xanh biếc của hồ Tuyền Lâm và sắc xanh thẳm của núi dãy Voi ẩn hiện xa xa sau làn sương mờ ảo xứ sHoa Đào Đà Lạt.

Quần thể Thiền viện Trúc Lâm

Thiền Viện bắt đầu được xây dựng vào năm 1993, đến năm 1994 thì hoàn thành, bản thiết kế do kiến trúc sư Vũ Xuân Hùng và Trần Đức Lộc vẽ và có sự tham gia thiết kế của kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ (người thiết kế Dinh Độc Lập – nay là Dinh Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh).

 

Những bậc thang từ hồ Tuyền Lâm dẫn lên Thiền viện

 

Thiền viện Trúc Lâm nói chung và khu vực Nội viện nói riêng được thiết kế theo phong cách phương Tây khá hiện đại, đơn giản về hình khối nhưng mới mẻ trong cấu trúc và mang tính ứng dụng cao – một lối kiến trúc có phần khác lạ so với những công trình tôn giáo truyền thống của Việt Nam.

Thiền viện được chia ra làm 4 khu vực: khu vực Ngoại viện, khu Tịnh thất hòa thượng, Hòa thượng viện trưởng, khu Nội viện tăng và khu Nội viện ni.

Ngoại Viện là một khu vực cao nguyên rộng rãi nằm trên phần đất của Thiền viện, cao khoảng 1300 mét so với mực nước biển, nhìn ra núi Benhuit và toàn bộ quang cảnh hồ Tuyền Lâm.

Chính điện

Nơi đây bao gồm Chính điện phục vụ tổ chức các nghi lễ, có tháp chuông ở bên phải và khu vực Nhà khách ở bên trái.

Bên trong Chính điện

Chính điện có diện tích 192m2, bên trong thờ tự đơn giản, nhưng mang đầy ý nghĩa của nhà Phật. Giữa điện thờ tượng đức phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni cao khoảng 2m, tay phải cầm cành hoa sen đưa lên, gọi là bức tượng Phật Thích Ca “Liên Hoa Vi Tiếu” – tức là bức tượng miêu tả theo điển tích “Liên Hoa Vi Tiếu”.

Đức phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni

 

Tượng Đạt Ma Sư Tổ

Dọc theo con đường ngoằn ngoèo, trên những ngọn đồi, lối đi vào Thiền viện, du khách có thể được nhìn thấy rất rõ tòa Tháp Chuông từ phía xa.

Tháp Chuông

Đối diện với Tháp chuông là Lầu trống. Mặt trống có đường kính khoảng 80cm.

Lầu trống nằm trước một hoa viên

 

Trước tam quan có hồ Tĩnh Tâm. Bên dưới lưng đồi là Nhà khách dành để tiếp đón các Phật tử đến tu tập ngắn hạn tại Thiền viện để nghe thuyết pháp và ngồi thiền vào ngày 14 và 29 âm lịch mỗi tháng.

Hồ Tĩnh Tâm

Bên phải chính điện là nhà khách hai tầng, diện tích khoảng 235 m2. Tầng dưới dành tiếp khách, tầng trên là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của khách Tăng hay Phật tử nam các nơi đến Thiền viện tập tu. Phía trước Nhà khách là một khu vườn hoa hồng.

Nhà khách Thiền viện Trúc Lâm

Khu vực Nội viện khuất sau một rừng thông nhỏ bên trái Ngoại viện

Đến với Thiền viện Trúc Lâm tại Đà Lạt, ấn tượng đầu tiên mà hầu hết du khách thập phương đều cảm nhận được rất rõ nét là cảnh quan non xanh nước biếc rất đỗi nên thơ, là một không gian tâm linh huyền bí mà vô cùng thân thuộc, tách biệt hẳn khỏi những xô bồ ồn ã của đời sống thường nhật, mang lại cho tâm hồn mỗi người một khoảng lặng bình yên đến lạ kỳ!.

Writer: Tâm Nguyên

 
Đặt phòng khách sạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *