Tam Cốc – Bích Động điểm đến non nước hữu tình

Tam Cốc – Bích Động thuộc địa phận xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Tỉnh Ninh Bình là một quần thể kiến trúc hài hòa, một danh lam thắng cảnh được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn” hay “Nam thiên đệ nhị động” bởi cảnh núi non trùng điệp, hang động kỳ thú, sông nước hữu tình.

Tam cốc còn có nghĩa là “ba hang” còn được biết đến với tên gọi Xuyên Thủy động gồm hang Cả, hang Hai và Hang ba. Xa xưa vùng này là biển cả, sóng vỗ qua nhiều thế kỷ bào mòn vào vách đá tạo nên những hình thù kỳ lạ. Trong hang nhiều nhũ đá lóng lánh đủ màu sắc, pha lẫn kim nhũ, ngân ngũ dưới ánh đèn đuốc. Vua Trần Thái Tông (1255-1258) đã ví nơi đây với chốn non tiên:

Thủy Thức Bồng Lai nguyên bất viễn

Thung dung tuế nguyệt độn phàm trần

Dịch:

Đến đây mới biết cảnh tiên chốn Bồng Lai đâu có xa,

Ngày tháng thong dong xa lánh cõi phàm trần.

Du khách đi thăm Tam Cốc chỉ có một con đường thủy duy nhất vào ra mất khoảng 3 giờ đồng hồ. Theo nhịp mái thuyền, du khách sẽ được đắm mình trong màu xanh của những cánh đồng lúa trải dài dọc hai bờ sông Ngô Đồng với những dãy núi trùng điệp.

tam cốc bích động

Hang Cả là hang lớn nhất và cũng là hang đẹp nhất, với chiều dài 127m, nằm dưới một quả núi lớn vắt ngang qua hai dãy núi lớn hai bên sông Ngô Đồng. Cửa hang rộng khoảng 20m, khi thuyền luồn vào trong hang, du khách sẽ cảm thấy mát lạnh. Khi thuyền ra khỏi hang, nhìn lại vách núi, bạn có thể hình dung một cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi câu cá, theo dân gian đó là ông tiên câu cá, cao hơn là hình một cô tiên mặc áo trắng đang bay… xa xa trên sườn núi, thấp thoáng bóng những bác tiều phu đang đốn củi. Và lưng chừng núi từng đàn dê đủng đỉnh ăn lá cây, trên vách núi cheo leo những giò phong lan với những chùm hoa đủ màu đang khoe sắc cùng với đất trời.

tam-coc

Những cây thiên tuế đã từng sống hàng ngàn năm trên núi cao như đang thi gan cùng tuế nguyệt. Vua Trần Thái Tông đã dựng một am nhỏ trên vạt đất cao gần hang Cả làm nơi tu hành. Nơi đây vẫn còn di tích một khu đất rộng khoảng hơn một sào, cao hơn mặt ruộng tới trên 1m, nước lên cũng không bị ngập, được gọi là Vườn Am. Hang Cả trong Tam Cốc tuy đẹp nhưng khuất nẻo.

Cũng giống như hang Cả nhưng hang Hai và Hang Ba ngắn và thấp hơn. Hang Hai cách hang Cả gần 1km, dài 60m, trần hang có nhiều nhũ đá với hình thù kỳ ảo, từ trần hang rủ xuống lô nhô óng ánh như châu ngọc. Hang Ba gần hang Hai, dài 50m, trần hang như một vòm đá. So với hang Cả và hang Hai thì đây là hang mát nhất vì nó thấp nhất, trần hang có ít nhũ đá rủ, chủ yếu là những vòm đá nhân tạo. Thuyền ra khỏi hang, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh, một phong cảnh núi non trùng điệp như bao lấy cả một vùng đất bao la.

tam cốc

Trên đường ra, thuyền đưa du khách tới bến Thánh, đi bộ khoảng 50m du khách sẽ gặp động Thiên Hương có chiều cao trên 60m. Ở phía sau động này có lối lên thẳng đỉnh núi thường gọi là đường lên trời. Đi bộ tiếp 50m nữa là đền Thái Vi, Đền được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Trước đền có giếng Ngọc xây bằng đá xanh, sau đền là dãy núi đá Cấm Sơn đứng sừng sững. Đền Thái Vi là một tác phẩm nghệ thuật của con người hòa nhập với kiệt tác của thiên nhiên kỳ thú.

tc-thien hương động

Rời bến thuyền Đình khoảng 3km nữa, du khách tới thăm Bích Động, nằm trên dãy núi Ngũ Nhạc, một thắng cảnh được vua Lê Cảnh hưng ban tặng là “Nam thiên đệ nhị đông” tức động đẹp thứ nhì trời Nam (sau động Hương Tích).

Thăm Bích Động, ngồi trên con thuyền nhỏ chầm chậm di chuển trên làn nước trong xnah in bóng mây núi, luồn lách dưới những mái đá phủ thạch nhũ óng ánh muôn màu, lướt qua những vách đá cao ngất còn nghi lại những vần thơ tức cảnh lưu đề của người xưa, chúng ta cảm thông sâu sắc với ý tưởng nghệ thuật của vua Trần Nhân Tông (1279 -1293) trước vẻ đẹp tuyệt trần của thiên nhiên:

Tứ biên sơn nhiễu thủy bôi hoàn

Sơn thủy như đồ cảnh tư nhiên

Dịch:

Bốn bề núi vây bọc, nước quanh co,

Sông núi như tranh, phong cảnh đẹp tự nhiên

Phía trước động là đồng lúa rộng mênh mông, có chi nhánh sông Hoàng Long chảy qua, uống khúc quanh năm ngọn núi quây quần thành cụm như đóa hoa sen.

bichdong

Trên núi cây cối xanh um, thấp thoáng ẩn hiện những vạt mái ngói rêu phong của ngôi chùa cổ. Chùa Bích Động được dưng với quy mô lớn từ đầu đời Lê. Trong chùa còn quả chuông lớn đúc từ thời vua Lê Thái Tổ (1428 -1433), mộ tháp các vị hòa thượng có công xây dựng chùa. Thời Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông 1740 -1786) chùa được trùng tu mở rộng thêm, bao gồm Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng, trải ra trên ba tầng núi.

bichdong1

 Giữa những dãy núi đá vôi là sông Ngô Đồng chảy uốn khúc tạo thành phong cảnh sơn thủy hữu tình. Nơi đây còn có nhiều hang động kỳ diệu và các ngôi chùa với kiểu kiến trúc cổ xưa. Vào mùa mưa, nước dâng cao vẫn không ảnh hưởng tới hệ thống giao thông, ngược lại còn tạo nên những cảnh sắc ngoạn mục hiếm có.

Mực nước thủy triều cũng giúp cho việc di chuyển trên sông lạch dễ dàng hơn, hình thành con đường thủy lưu thông từ cố đô Hoa Lư đến Tam Cốc. Ngoài sự hấp dẫn về cảnh quan tự nhiên, đây còn là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị bên cạnh những lễ hội làng nghề, kiến trúc cổ.

Tam Cốc – Bích Động là một quần thể danh lam thắng cảnh, hoang sơ, hội tụ nhiều yếu tố tài nguyên du lịch như: Tâm linh, sinh thái, leo núi, chắc chắn sẽ cho bạn những giây phút trải nghiệm thật tuyệt vời. Hãy đến một lần để tự mình khám phá động đẹp nhì trời Nam.

 
Đặt phòng khách sạn

8 comments

  1. Cảnh đẹp quá!

     
  2. nhìn đẹp ghê, bao h có dịp đến đây chèo thuyền mới được <3

     
  3. hè ra đây chèo thuyền tránh nắng nóng thì phải biết :v

     
  4. Tuyệt đẹp. Mình đã từng đến đây tham quan rồi nhưng lên ảnh thật lung linh <3

     
  5. Tuyệt đẹp. Nhìn lung linh quá

     
  6. Nhìn lung linh quá

     
  7. Đi du lịch các điểm ở Ninh Bình thì khoảng mấy ngày là hết vậy nhỉ?

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *