Kinh nghiệm du lịch Hội An

Thị xã Hội An là một đô thị cổ nằm bên Cửa Đại, nơi con sông Thu Bồn đổ ra biển Đông. Từ thế kỷ 16, 17, nơi đây đã nổi tiếng với tên gọi Faifoo và rất quen thuộc với các thương gia Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc, Bồ Đào Nha… Thời đó, thương cảng Hội An rất sầm uất bởi nó là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á. Do sự bồi lắng của cửa sông và bao biến động của lịch sử sau nhiều thế kỷ, địa danh Hội An không còn là thương cảng nhưng dấu ấn một thời vàng son của nó vẫn để lại những giá trị văn hóa vô giá.

Hoi An town

Đến Hội An bằng cách nào:

Do Hội An không có ga tàu – bến xe nên mọi việc di chuyển bằng tàu hỏa – xe đò đều phải tập trung ở Đà Nẵng. Và chạy thêm khoảng 30km từ Đà Nẵng để đến Hội An. Nếu đủ thời gian và điều kiện bạn có thể ở lại du ngoạn thành phố Đà Nẵng trẻ và năng động.

hoi an

Phương tiện đi lại khi tới Hội An:

Thuê xe máy loại hình này khá quen thuộc với mọi người khi đi du lịch, bạn có thể liên hệ với chủ khách sạn để được hướng dẫn và cho thuê với giá ưu đãi nhất. Đối với những người không thể đi xe Taxi vì say xe hoặc vì lý do nào khác thì Xe máy vẫn được coi là phương tiện không thể thiếu.

Taxi: Taxi thì sang trọng và giá cả cũng khá cao nhưng lại thích hợp cho việc đi nhiều người, số tiền chia ra cũng khá phù hợp.

Xe ôm: Do Hội An cũng khá nhỏ nên việc di chuyển bằng xe ôm cũng là sự lựa chọn hợp lý và khá ít tốn kém.

hoi an dep lam

Khách sạn:

Hội An có rất nhiều khách sạn với đủ thể loại tại nhiều khu vực như phố cổ, bãi biễn v…v.

Để chắc chắn có phòng và đặt được phòng giá tốt nhất các bạn nên đặt phòng online trước khi tới Hội An. Bạn có thể tham khảo tại vnbooking.com để đặt phòng trước. Xem khách sạn Hội An

Địa điểm tham quan:

Chùa Cầu là viên ngọc giữa lòng thị xã, tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng nhiều thăng trầm dưới mái ngói âm dương huyền bí. Cầu xây dựng vào cuối thế kỷ 16 và được gọi là cầu Nhật Bản. Năm 1719, khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đi ngang đây, ông đã đặt cho cầu ba chữ Lai Viễn Kiều. Ở giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế, thời xưa, hai bên cầu là nơi mua bán sầm uất.

chua cau hoi an

Nhà cổ số 80 Nguyễn Thái Học là tiệm thuốc Bắc Diệp Đồng Nguyên, chủ nhà có một bộ sưu tập gốm cổ có giá trị.

Nhà cổ 77 Trần Phú: ngôi nhà hình ống điển hình, giữa sân nhà có các vách gỗ bao quanh được chạm khắc sống động.Nhà thờ họ Trần 21 Lê Lợi, là nhà thờ của gia tộc nên rất kín cổng cao tường.

Nhà cổ 101 Nguyễn Thái Học, phòng khách là một công trình chạm trổ tinh vi. Ở trần có vỏ cua có trang trí hình hai bao kiếm vắt chéo rất lạ mắt.

Hội Quán Trung Hoa thờ bà Thiên Hậu.

Hội quán Quảng Đông thờ Quan Công nằm trên đường Trần Phú.

Hội quán Phúc Kiến xây dựng năm 1857 cũng thờ Thiên Hậu.

Hội quán Hải Nam là nơi thờ 108 Hoa kiều chết oan dưới thời vua Tự Đức.

Bảo tàng Lịch sự văn hóa Hội An nằm trong khuôn viên chùa Ông thờ Quan Công và chùa Bà – thờ Quan Âm. Chùa khởi xây từ thế kỷ thứ 17 và đã qua nhiều lần trùng tu.

Nhà trưng bày gốm sứ mậu dịch Hội An nằm trên đường Trần Phú. Đây cũng là một căn nhà cổ đẹp được trùng tu với sự đóng góp của đại học Chiêu Hoà, Nhật Bản. Nơi đây trưng bày những cổ vật vớt lên từ năm 1993 trong chiếc tàu chìm từ 400 năm trước ngoài biển Hội An. Con tàu này chở gốm Việt Nam xuất khẩu, gốm Chu Đậu.

Hội quán Triều Châu hay còn gọi là chùa ông Bổn ở đường Nguyễn Duy Hiệu. Hội quán nhỏ, xây dựng tỉ mỉ, khởi công năm 1845 với vật liệu đưa từ Trung Quốc sang. Miếu thờ Phục Ba tướng quân.

Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, có những hiện vật cổ như chum gốm chôn tro người chết, nữ trang, vũ khí…

Tắm biển:

Cửa Đại là một bãi tắm đẹp và rất sẵn các quán hải sản tươi ngon với giá rẻ. Đến biển Cửa Đại vào buổi tối cũng rất tuyệt bởi lúc ấy bãi biển mênh mông, lung linh dưới những ngọn đèn dầu rất lãng mạn. Bãi biển này cách phố cổ Hội An chỉ 5 km, có nhiều cách để du khách đến đây như: Thuê xe đạp, xe ôm hoặc taxi. Nếu không quen đi bộ, bạn có thể thuê một chiếc xe máy với giá 120.000VND/ngày (chưa bao gồm xăng).

bien cua dai

Biển An Bàng: Qua làng rau Trà Quế là du khách đến với biển An Bàng. Ở đây, bạn sẽ cảm nhận được sự trong lành tuyệt diệu khi thả bộ dọc theo triền cát, đón ánh mặt trời lên, ngắm nhìn vẻ đẹp tinh khôi lúc hừng đông trên mặt biển. Giờ đây biển đã khoác lên mình chiếc áo mới thật duyên dáng. Vẫn là bãi cát trắng mịn màng nhưng hàng quán đã mọc lên san sát để phục vụ du khách.

Ngoạn cảnh sông Thu Bồn

Bạn có thể tham gia một tour đi ghe dọc sông Thu Bồn. Hai bên bờ sông có những cồn cát tuyệt đẹp, cảnh đồng ruộng, núi non như tranh vẽ. Đặc biệt, hoàng hôn trên sông Thu Bồn có thể khiến mọi du khách phải xao lòng.

Làng nghề truyền thống:

Làng mộc Kim Bồng: Làng nghề này nằm ở xã Cẩm Kim đối diện khu phố cổ Hội An, bên kia sông Thu Bồn. Từ bến đò phố cổ, bạn chỉ mất 10 phút để đến đó bằng thuyền. Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng từng tự hào với việc cha ông họ đã được vua chúa nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm.

lang moc kim bong

Làng rau Trà Quế: Nằm cách khu phố cổ Hội An 3 km về phía Bắc, làng rau Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà vốn nổi tiếng từ lâu đời.

Làng chài Thanh Nam: Đây cũng là một nghề truyền thống rất lâu đời. Đến đây bạn có thể kết hợp thăm quan làng chài và biển Cửa Đại bằng thuyền hoặc thuyền thúng, thử cảm giác làm ngư dân.

Làng hoa Cẩm Hà: Đến làng hoa Cẩm hà để cảm nhận màu sắc riêng của vùng trồng hoa truyền thống ở Hội An.

Làng gốm Thanh Hà: Nằm cách Hội An 3 km về hướng Tây (di chuyển bằng thuyền khoảng gần 30 phút từ bến đò khu phố cổ), vào thế kỷ 16, 17, Thanh Hà là một ngôi làng rất thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Tham quan Cù Lao Chàm

cu lao cham

Cù lao Chàm là một cụm đảo thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, cách bờ biển Cửa Đại 18 km về phía Đông, khoảng 30 phút đi tàu cao tốc. Cù Lao Chàm được đánh giá là một hòn ngọc nổi bật về đa dạng sinh học với rừng tự nhiên, bãi biển đẹp, rạn san hô và nhiều loài thủy sản có giá trị.

Ăn uống, đặc sản:

Đến Hội An du khách có thể thưởng thức mì Quảng ngon tại quán bà Minh, khu Cẩm Hà hay trong chợ Hội An, đầu phố Trần Phú

Món bánh đập, hến trộn nổi tiếng nhất Hội An là bánh đập Bà Già: Đi qua cây cầu Cẩm Nam chừng 100m, con đường đột ngột bẻ cong sang trái, vừa qua khúc cua này ngay trước mắt chúng ta hiện lên một dãy hàng quán san sát nhau và trên mỗi tấm bảng hiệu đều đề món đặc sản của khu vực này: “chè bắp, bánh đập, hến xào”

Lò bánh bao, bánh vạc chính gốc ở Hội An có địa chỉ tại 533 phố Hai Bà Trưng.

Món chè bắp, tàu hũ và sữa đậu nành bán ngay trên vỉa hè phố Trần Phú, Lê Lợi, chỉ khoảng 7.000 đồng/bát

Cơm gà Bà Buội, Cô Nga, thường bắt đầu từ 11h00 trưa hoặc tối. Giá từ 25.000-40.000VND/tô

Trong những nhà hàng sang trọng, những quán ăn nhỏ hay đơn giản là một gánh hàng trong đêm, bạn đều có thể gọi món cao lầu có giá từ 10.000-20.000VND

cao lau hoi an

Đến Hội An có thể mua về làm quà bánh in, bánh đậu xanh, bánh ít lá gai, tương ớt Hội An.

Mua sắm:

Ở Hội An có rất nhiều thứ để mua như đèn lồng, đồ lụa tơ tằm, khắc gỗ, đồ thêu ren, đồ lưu niệm… Mọi người có thể mua và trả giá.

Dép Hội An rất phong phú và đẹp. Nhìn đế dép của các hàng, nếu hàng nào đẹp thì nên đặt ở hàng đấy. Có thể đặt theo chân mình từ sáng, chiều lấy ngay. Nên đặt sớm và chọn hàng để có thể mua được đôi như ý.

May quần áo ở đây siêu nhanh và rẻ. Cũng chỉ đặt sáng chiều lấy.

Đèn lồng: Đèn lồng Hội An cũng rất đẹp, nhiều khách du lịch đã lựa chọn và mang về làm quà. Giá cũng rẻ.

den long hoi an

Đồ lưu niệm: Rất nhiều thứ để mua như ví nhỏ, hộp quà, v.v… giá cực rẻ. Ra chợ bạt ngàn.

Đồ đá: Đà Nẵng nổi tiếng về đá, do vậy mọi người có thể mua những bức tượng đá, cối đá, đồ trang sức đá… tại Non nước.

Quần áo lụa tơ tằm, áo dài đẹp và rẻ hơn những nơi khác rất nhiều.

Chúc các bạn có một chuyến đi thật vui vẻ và an toàn.

 
Đặt phòng khách sạn

One comment

  1. Nội dung rất chi tiết và hấp dẫn. Nhất định năm nay sẽ đi Hội An 1 chuyến

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *