Hồ Xuân Hương và nỗi niềm trái tim phố núi

Người ta bảo hồ Xuân Hương là “trái tim Đà Lạt” vì mọi con đường chính của trung tâm thành phố đều đổ về hồ. Chính vì lẽ đó, không ai đến Đà Lạt mà chưa ghé qua hồ Xuân Hương, để rồi mang trái tim mình dành tặng cho “trái tim phố núi” lúc nào cũng chẳng hay. Bởi, hồ Xuân Hương mang một vẻ đẹp có thể làm đắm lòng bất kỳ du khách khó tính nào: quyến rũ mà dịu dàng, đầy nắng nhưng vẫn giá lạnh, đầy gió nhưng vẫn phẳng lặng, đầy nỗi niềm nhưng vẫn trong xanh.

Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc, nhịp chèo ta bơi. Ai đắp đập? Ai phá núi? Cho hồ nước đầy là mặt gương soi…”. Có lần tôi hỏi một anh bạn người Đà Lạt: “Tại sao anh lại để nhạc chờ điện thoại là bài Hồ Trên Núi?” “Em nhìn đi” – anh chỉ về hướng hồ Xuân Hương – “Đó có phải là Hồ trên núi không?”

Tuy nhạc sĩ Phó Đức Phương viết bài hát cho hồ Núi Cốc, nhưng mỗi lần nghe bài hát này, anh ấy và giờ là tôi, đều nhớ đến hồ Xuân Hương. Ừ, chẳng phải hồ Xuân Hương cũng là hồ nước trên cao nguyên đấy sao!

Ngày hay đêm, hè hay đông, dù bất kỳ thời điểm nào, di tích cấp quốc gia này cũng luôn giữ được vẻ đẹp bình yên của mình dù nằm ngay giữa lòng một thành phố du lịch.

 

Hồ Xuân Hương và nỗi niềm trái tim phố núi

Dù là đông trụi lá, những cây mai anh đào vẫn góp phần mang lại nét quyến rũ
cho hồ Xuân Hương

Có lần, vì muốn cảm nhận hồ Xuân Hương từ mọi góc nhìn, tôi đã “nổi máu” dành cả buổi sáng để đi vòng quanh chu vi 5km của hồ.

Hồ Xuân Hương và nỗi niềm trái tim phố núi

 

Hồ Xuân Hương và nỗi niềm trái tim phố núi

Hồ Xuân Hương buổi sáng

Tôi gọi buổi sáng bên hồ Xuân Hương là buổi sáng của những phận người. Người già trẻ nhỏ, đàn ông đàn bà, kẻ giàu người nghèo, kẻ du lịch, người mưu sinh, mỗi người mang số phận của mình trên nét mặt mà thả hồn bên mặt hồ lăn tăn sóng nước trong cái lạnh quen thuộc của phố núi.

Hồ Xuân Hương và nỗi niềm trái tim phố núi

Với tôi, một củ khoai và trứng gà nướng chỉ là một bữa sáng nhưng với cụ già này, có khi thúng khoai, rổ trứng, măm khô là cả quãng đời

Hồ Xuân Hương và nỗi niềm trái tim phố núi

Người cha đợi khách trong nỗi lo âu về việc ăn việc học của những đứa con

Hồ Xuân Hương và nỗi niềm trái tim phố núi

Những đôi bạn già chia sẻ nhau chuyện nhà chuyện người, chuyện xưa chuyện nay…

Là một du khách “nhiều chuyện”, tôi không quên lân la ngồi cùng các cụ già, hỏi đủ chuyện về Đà Lạt và hồ Xuân Hương. Các cụ kể: “Hồ Xuân Hương lúc đầu là dòng suối Cam Ly. Đến năm 1919, người Pháp cho xây dựng một đập nước để ngăn suối thành hồ, gọi là hồ Grand Lac. Sau đó, kỹ sư Trần Đăng Khoa đã thiết kế thêm một đập lớn khác, chính là cầu Ông Đạo. Sau nhiều lần nạo vét, sửa chữa, cải tạo thì thành hồ Xuân Hương như ngày nay”.

Hồ Xuân Hương và nỗi niềm trái tim phố núi

Cầu Ông Đạo là nơi hẹn hò của những đôi trai gái khi đèn lên đêm xuống

Một cụ già bồi hồi chia sẻ: “Ông vẫn thích hồ Xuân Hương của ngày ông 20 hơn, lúc đó ông còn trẻ và hồ Xuân Hương thì hoang sơ và nên thơ hơn bây giờ…”. Vừa nói, cụ vừa nhìn về xa xăm, nơi mặt hồ kéo dài thành hình lưỡi liềm, tựa như nhìn về quá khứ của thời trai trẻ…

Hồ Xuân Hương và nỗi niềm trái tim phố núi

Một du khách cô đơn lặng nhìn hồ Xuân Hương đang đổi mới. Phải chăng anh cũng đang tiếc nuối một hồ Xuân Hương xưa của lần đầu đến Đà Lạt

Tôi tiếp tục rảo bước bên bờ hồ, đi qua một dãy những quán café ven hồ rồi dừng chân ở công viên Yersin, ngắm nhìn những con người mình vừa gặp vừa nói chuyện ở bên kia mặt hồ, những cuộc đời lớn bỗng trở nên nhỏ bé trước sự rộng mở của không gian.

Thuê một chiếc xe đạp nhỏ, tôi thong dong đạp qua những điểm tham quan quanh hồ như nhà Thủy Tạ, khu vui chơi giải trí Đà Lạt, Vườn hoa thành phố, Đồi Cù,…  Đi qua những con đường rợp bóng mát, nhìn mặt hồ phẳng lặng soi bóng liễu, thông, tùng, đào đầy lãng mạn, chợt hiểu vì sao người Đà Lạt lại hiền lành, ít nói và ung dung đến thế. Ai lại nỡ sống vội giữa thành phố thơ mộng này? Ai lại nỡ ba hoa trước cảnh vật hữu tình này? Ai lại nỡ tham lam hơn thua giữa thiên nhiên hiền hòa này?

Hồ Xuân Hương và nỗi niềm trái tim phố núi

Mặt hồ phẳng lặng soi bóng liễu, thông, tùng, đào xinh đẹp và lãng mạn

Bất giác lo lắng cho “trái tim Đà Lạt”. Một Đồi Cù đã dâng cho người ngoại quốc làm sân golf. Những đồi thông dần nhường chỗ cho khách sạn, bar, cao ốc. Những chiếc xe máy ồn ào đầy khói bụi dần thay thế cho tiếng lóc cóc của xe ngựa và tiếng cót két của chiếc xe đạp cũ kỹ. Nếu như ngày nào đó, đô thị nuốt sạch núi đồi khiến cho mặt hồ Xuân Hương chỉ còn bóng những khối bê tông vô hồn vô hương thì còn gì là Đà Lạt mộng mơ…
Hồ Xuân Hương và nỗi niềm trái tim phố núi

Chiều tàn đêm xuống, nhìn những bóng cây trên mặt nước dần biến thành những bóng nước đầy màu sắc của ánh đèn điện, tôi lại khắc khoải về ngày mai của hồ Xuân Hương

Phượt ký của Phạm Như Quỳnh

 
Đặt phòng khách sạn

One comment

  1. Bài viết quá hay và ý nghĩa về thành phố Đà Lạt

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *