Góc nhìn tennis từ Wimbledon: Điên rồ thì không thể vĩ đại!

Những ai xem trận đấu giữa Federer và Sergiy Stakhovsky là những người may mắn (nếu có thể gọi như thế), vì đã được chứng kiến cú sốc thế kỷ của tennis.

Không quá khi gọi như thế khi Federer là Vua sân cỏ, là người thống trị Wimbledon một thập kỷ qua với 7 danh hiệu vô địch và là người vĩ đại nhất trong số những người vĩ đại của tennis thế giới (17 Grand Slam).

Chưa hết, Federer còn bước vào trận đấu ấy với một kỷ lục 36 lần lọt vào tứ kết Grand Slam liên tiếp, bỏ xa kỷ lục gia cũ, Jimmy Connors, tới chín lần. Tức là suốt từ năm 2004 tới nay, việc Federer lọt vào tới tứ kết của các giải đấu lớn vẫn được coi là đương nhiên.

Federer-bi-loai-2

Federer sớm rời giải ngay từ vòng 2

Chứng kiến sự đương nhiên ấy tan vỡ có lẽ đã gây ra bao đau đớn và tiếc nuối, khiến cho cú sốc mang tên Nadal trước đó một ngày, và hàng loạt những bất ngờ khác xảy ra trước sau đó vài giờ đồng hồ như Tsonga, Cilic, Sharapova, Azarenka, Ivanovic, Jankovic, Wozniacki… (cả thảy tám số 1 thế giới) trở thành chuyện bình thường, hoặc chí ít cũng dễ chấp nhận hơn.

Vì sao có những cú sốc?

Trong số các tay vợt nói trên, Tsonga, Cilic, Azarenka rời cuộc chơi vì chấn thương và có những chấn thương do các cú trượt chân trên mặt sân cỏ.

Các tay vợt vẫn thường có ba loại giày có thiết kế đế khác nhau để chơi trên ba mặt sân khác nhau. Mặt sân cứng có thiết kế có hõm ở gan bàn chân và nhiều rãnh đan theo nhiều hướng khác nhau. Mặt sân đất nện là các rãnh đều tăm tắp theo chiều ngang. Và mặt sân cỏ là những chiếc gai bé và nhọn phủ kín từ gót cho tới mũi giày.

Những chiếc gai ấy là sự bù đắp cho mặt sân cỏ rất trơn, nhưng đôi khi không đủ. Azarenka trượt chân khi tiếp đất từ cú giao bóng. Sharapova trượt chân khi thực hiện cú thuận tay trong tư thế chân mở (open stance). Stakhovsky cũng ngã lộn nhào (nhưng không chấn thương) khi anh thực hiện cú “running forehand” (vừa chạy vừa đánh) trong tư thế chân đóng (closed stance). Tức là các tay vợt có thể ngã và chấn thương trong mọi hoàn cảnh.

Ở một lý do khác như đã đề cập nhiều lần, mặt sân cỏ nhanh làm cho lối đánh tấn công ngẫu hứng được phát huy. Sức bền trở nên kém quan trọng hơn so với sức nhanh. Khả năng phòng ngự không còn là yếu tố quyết định lớn so với phương diện tấn công. Các cú trả giao bóng trở về với vị trí vốn có của nó của thời tennis cận hiện đại so với giá trị của cú giao bóng.

Nhưng các tay vợt cửa trên bị loại đều không phải là những người bất khả chiến bại trong thời gian gần đây, và các ca chấn thương cũng là những người có bệnh án khá dày. Azarenka phải nghỉ hai tháng liên tục trong năm nay. Cilic hầu như năm nào cũng phải “nhập viện”. Còn Wozniacki, Ivanovic và Jankovic – ba cựu số 1 thế giới nhưng đều sa sút trong khi đẳng cấp của họ chưa tạo ra sự khác biệt.

bo-tu

Hai trong số họ đã bị loại

Hai cú sốc mang tên Nadal và Federer cũng có lý do riêng. Đó là Nadal quá tải cả về thể lực lẫn chùng lại về ý chí sau chín trận chung kết liên tục và bảy danh hiệu. Còn Federer trong năm nay cho thấy anh có thể thua bất cứ ai (từ Nishikori cho tới J.Benneteau chứ không chỉ Tsonga, Nadal, Murray). Những trận thua này chỉ trở nên đáng tiếc hơn bởi Federer chơi không tồi, còn Nadal được xác định bởi HLV Toni Nadal rằng đầu gối anh vẫn ổn.

Và các cú sốc này dù sao cũng cho thấy tennis vẫn không thể đi ra ngoài quy luật của thể thao, là phong độ đôi khi quyết định thành bại chứ không phải lúc nào cũng bị chi phối bởi đẳng cấp. Stakhovsky chơi một trận đấu mẫu mực của chiến thuật giao bóng lên lưới dựa trên khả năng trả giao bóng tốt và không tệ khi đứng ở phông (cuối sân).

Sốc có đi kèm với hấp dẫn?

Nhưng, dù bất ngờ làm nên vẻ đẹp, tạo sức cuốn hút của các môn thể thao nói chung, thì tennis lại đặc thù ở chỗ, bất ngờ đôi khi làm cho chất lượng của các trận đấu tiếp theo bị suy giảm.

Năm 2009, sau khi Soderling đánh bại Nadal ở vòng bốn và tiến vào chung kết, anh thua khá dễ trước Federer. Trận chung kết Grand Slam duy nhất trên sân đất nện năm ấy không được đánh giá cao về độ cống hiến, chất lượng và dĩ nhiên càng không thể được xếp vào diện kinh điển.

Một năm sau, Soderling vào chung kết với Nadal, và điều tương tự xảy ra. Khi Nadal ở trạng thái thể lực tốt nhất, Soderling không ở cùng một đẳng cấp và trận đấu cũng kết thúc chỉ sau ba set.

fed-3

Chẳng có ai dám chắc những tay vợt làm nên cú sốc sẽ cống hiến thứ tennis đỉnh cao ở các trận tiếp theo

Năm 2010, Tomas Berdych đánh bại Federer trên con đường tiến vào chung kết cũng là một bất ngờ. Nhưng đến trận chung kết, Berdych suy yếu về mọi mặt, để trận chung kết giữa anh với Nadal trở nên tẻ nhạt.

Mà đó là Soderling, Berdych – những tay vợt số 5 thế giới và ít nhiều đạt được sự ổn định (Soderling vào tới hai trận chung kết Roland Garros liên tiếp, còn Berdych luôn ở trong top đầu mấy năm qua).

Thế nên, khi các tay vợt khác ở một đẳng cấp thấp hơn nữa, lại tạo nên bất ngờ, nhưng không thể duy trì được phong độ và cũng không đạt được sự hưng phấn ở các trận đấu tiếp theo, chất lượng ở phần còn lại của giải đấu đó bị suy giảm đáng kể.

Lukas Rosol của năm 2012 đã gây thất vọng tràn trề ngay ở vòng đấu tiếp theo trận thắng kỳ vĩ của anh trước Nadal. Wimbledon năm ấy may mà được bù đắp bởi sự thăng tiến của Murray, để anh làm nên trận chung kết không đến nỗi nào với Federer (dù thua), và cũng ở nhánh ấy, Tsonga đã chơi tốt để vào tới bán kết.

Steve Darcis, người quật ngã Nadal ở vòng 1 Wimbledon năm nay cũng khiến những người chờ đợi anh chưng hửng, khi anh bị chấn thương và cũng rời cuộc chơi cùng với Nadal.

Và rồi Stakhovsky không làm được gì trong trận đấu tiếp theo xem ra là chuyện tất yếu. Lối chơi giao bóng lên lưới tấn công từng là chuẩn mực của tennis đỉnh cao trong một thời gian rẩt dài chưa khi nào lại được công diễn thành công và tạo được những hiệu ứng thẩm mỹ kinh ngạc như cách tay vợt người Ukraina làm trước Federer. Nhưng Stakhovsky không có được sự ổn định cũng như bản lĩnh để giữ được nó trong một khoảng thời gian đủ dài của một giải đấu, chưa kể xa hơn là trong cả mùa giải.

Và không hiểu, sự thống trị của Nadal và Federer trong suốt gần một thập kỷ qua, rồi mới đây có thêm Djokovic có tạo ra cảm giác nhàm chán cho môn thể thao này? Câu trả lời có lẽ là không nếu xét thấy tennis đã gắn liền với tên tuổi họ để trở thành môn thể thao vừa quý tộc vừa đại chúng, đầy tính thương mại mà vẫn truyền thống. Bằng chứng là hiếm khi nào có ba tay vợt nam nằm trong danh sách các VĐV kiếm tiền (chủ yếu là quảng cáo) nhiều nhất thế giới như mấy năm gần đây (năm 2013, Federer là số 2, chỉ sau Tiger Woods).

Wimbledon điên rồ chắc chắn không thể là một Wimbledon vĩ đại!

Theo Vietnamnet

 
Đặt phòng khách sạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *