Đền Sóc- Chùa Non Nước.

Đền Sóc – Chùa Non Nước nằm trong quần thể khu di tích bao gồm đền Gióng, chùa Non Nước và học viện phật giáo Việt Nam.  Khu di tích cách trung tâm Hà Nội tầm 40 km đi về hướng tây bắc, thuộc địa phận xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Cả khu quần thể được ấp ôm bởi núi non điệp trùng tạo thành một khung cảnh bao là hùng vĩ giừa đất trời, xứng tầm với lịch sử thiêng liêng mà nó lưu giữ.

Chùa Non Nước có tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự nằm ở độ cao 110m so với chân núi. Trong chùa có bức tượng Phật Tổ bằng đồng cao 6,5 m đúc liền khối nặng 30 tấn, là bức tượng phật lớn nhất Đông Nam Á. Theo thuyết phong thủy Chùa Non Nước được xây dựng trên thế long chầu hổ phục, tựa lưng vào 9 ngọn núi: Núi Đồng Sóc, núi Đá Đen (trên núi có đến hàng trăm phiến đá lớn nhỏ giống như từng đàn trâu, voi năm phủ phục), núi Voi Phục, núi Mũi Cày, núi Vẩy Rồng, núi Đá Chồng…. Chùa nằm chính giữa hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai. Sách Thiền Uyển Tập Anh và sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết thiền sư đầu tiên trụ trì ngôi chùa này là Ngô Chân Lưu (933-1011). Năm 971, Ngài được vua Đinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Đại sư và là vị Quốc sư đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam. Ngài đã từng phù trợ cho Tam triều: Đinh – Tiền Lê – Lý và cùng với Thiền sư Vạn Hạnh phù trợ đắc lực đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, mở đầu triều đại nhà Lý – một triều đại có nền văn hoá phát triển rực rỡ và kinh tế hưng thịnh nhất thời kỳ phong kiến Việt Nam. Trải qua nhiều trăm năm, biến cố thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, tình cờ nền chùa cũ mới được phát hiện trong những năm gần đây và được Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định xây dựng trên nền đất cũ bằng tiền của các tăng ni phất tử và thiện nam tín nữ quyên góp. Chùa nằm trên lưng núi, có khuôn viên tôn nghiêm, phong cảnh hữu tình.

Cũng nằm trong khu quần thể là đền Gióng. Theo truyền thuyết kể lại thì khi đánh thắng giặc Ân, Thánh Gióng  phi ngựa qua sông Hồng rồi lên thẳng phương bắc và cuối cùng là tới núi Sóc. Đến chân núi, Gióng ghìm cương, ngựa hí vang, giẫm chân xoay bốn phía. Bây giờ nơi đấy gọi là làng Mã. Gióng thúc ngựa lên đỉnh núi, cởi áo sắt treo lên cành cây rồi cả người và ngựa bay lên trời.Ngày nay, dấu tích của vết chân ngựa được cho là những hồ nước trước cổng đền. Đền gióng bao gồm 4 ngôi đền nằm ẩn mình dưới tán lá cổ thụ. Từ ngoài cổng bước vào là đền Trình, tiếp là đền Mẫu, chùa Đại Bi và đền Thượng. Ngoài ra, trên đỉnh núi Vệ Linh còn có nhà bia đã tồn tại hàng trăm năm.

Mở đầu là đền Trình với một gốc đa cổ thụ linh thiêng nghiêng nghiêng bên hồ nước xanh biếc. Dưới gốc đa là hình tượng những linh vật vừa dữ tợn lại vừa hùng dũng, đang ngồi chầu về phía đền.

Qua đền Trình là chùa Đại Bi. Chỉ là một ngôi chùa  nhỏ nhưng lại có lôi kiến chúc độc đáo. Những khung cửa được phủ một màu sơn đỏ như bất biến với thời gian, mái vòm cong cong uốn cao, vút lên đẹp mắt cùng với những hàng ngói đỏ rêu rêu cổ kính. Bên trong chùa  là những hoành phi câu đối trang nghiêm lộng lẫy.


Đối diện với chùa Đại Bi là đền Mẫu. Đây là nơi thờ mẹ Thánh Gióng.

Dạo thêm vài bước là đến Đền Thượng. Đền thờ Đức Thánh Gióng. Trước của đền là một đôi ngựa gỗ, tượng trưng cho ngựa sắt mà Thánh Gióng đã cưỡi khi đánh đuổi quân thù. So với đền Trình và đền Mẫu thì đền Thượng rộng hơn và có kiến trúc phức tạp hơn. Đền có hai tầng tám mái, các mái đều được uốn cong vút lên trời và được trạm trổ hình rồng.

Tượng đài Thánh Gióng tọa lạc trên đỉnh núi Đá Chồng. Tượng đài được khởi công xây dựng vào năm 2008 và khánh thành vào năm 2010. Tượng đài được đúc bằng đồng nguyên chất, có chiều cao11,07m, độ vươn ra 16m, trọng lượng là 85 tấn.Đây là công trình chào mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Du khách có thể lên thăm tượng đài bằng 2 con đường, có thể đi theo lối bậc thang nhỏ từ chân núi cho đến đỉnh, cũng có thể đi theo đường bộ uốn quanh triền núi bằng xe máy hoặc ô tô.  Lên đến đỉnh, ngước mắt lên, trên cao ngút Thánh Gióng đang cưỡi ngựa bay về trời trong dáng vẻ uy nghiêm, hùng dũng.  Từng đám mây nhỏ bay nhẹ qua, quấn lấy bức tượng khung cảnh như thực, như hư. Du khách ngỡ ngàng tưởng như mình đang lạc vào xứ sở thần thánh nào đó, tay dâng lén hương tỏ lòng thành kính, miệng lâm râm khấn vái, cầu cho đất nước phồn vinh, gia đinh êm ấm.

Đền Sóc cũng là nơi diễn ra hội Gióng. Hàng năm cứ ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, dân làng ở đây mở hội linh đình tại Khu di tích đền Sóc. Lễ hội Gióng, Sóc Sơn diễn ra trong ba ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ thánh Gióng. Trước ngày hội diễn ra, bảy thôn làng đại diện cho bảy xã chuẩn bị lễ vật trong ngày mở đầu hội chính. Nhưng nghi lễ đặc biệt sẽ được làm vào đêm mùng 5 đó là lễ Dục Vọng để mời ông Gióng về với các lễ vật, lễ phẩm đã được chuẩn bị chu đáo với lòng thành kính, mong đức Thánh Gióng phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, trong hội còn có nhiều trò chơi dân gian sôi động như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo… Ngày chính hội là mùng 7, ngày thánh hoá theo truyền thuyết. Ngày khai hội, dân làng và khách thập phương dâng hương, đúng nửa đêm có lễ khai quang – tắm cho pho tượng Thánh Gióng. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Sóc(thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50 cm, đường kính khoảng 1 cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Thánh Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh (đá thành tinh).

 
Đặt phòng khách sạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *